Gout là bệnh viêm khớp thường gặp do rối loạn chuyển hóa, liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống. Purin trong thực phẩm khi được hấp thu vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric, hàm lượng axit uric tăng cao dẫn đến khớp bị viêm, sưng đau.
Là một trong những thực phẩm có hàm lượng purin cao nên từ lâu, người bệnh gout luôn được khuyến cáo không nên ăn hải sản. Tuy nhiên, hải sản lại là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và khoáng chất dồi dào, rất tốt cho sức khỏe, do đó, sẽ là thiệt thòi nếu người bệnh gout không thể ăn nhóm thực phẩm này. ThS.BSNT Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thay vì “cấm cửa” hoàn toàn, người bệnh vẫn có thể ăn hải sản trong mức hợp lý để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Trước khi ăn hải sản, người bệnh gout cần cân nhắc về hàm lượng purin có trong những thực phẩm này, đảm bảo tiêu thụ dưới 100 mg purin một ngày, một tuần ăn tối đa 2 lần.
Dưới đây là một số loại hải sản người bệnh có thể ăn:
Tôm là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể, trong đó, nhiều nhất là canxi, giúp tăng cường sức khỏe cơ xương khớp. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn cải thiện các bệnh lý tim mạch, nâng cao sức khỏe não bộ, phòng ngừa thoái hóa võng mạc… Hàm lượng purin trong mỗi 100gr tôm và tôm hùm lần lượt là 147 mg, 102 mg.
Cua có chứa nhiều chất dinh dưỡng tương tự như các loại hải sản phổ biến khác nhưng có hàm lượng thủy ngân thấp hơn. Thịt cua với hàm lượng vitamin B12 và folate cao giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu vitamin, tăng cường sản xuất tế bào hồng cầu, cải thiện lưu thông máu. Trong 100 g cua biển có khoảng 152 mg purin. Người bệnh cần lưu ý nên dùng cua tươi sống, khi cua chết, chất đạm trong thịt cua dễ bị hỏng, làm giảm hương vị và có thể gây dị ứng.
Cá hồi chứa nhiều vitamin, khoáng chất và đặc biệt là axit béo omega-3. Đây là loại axit béo mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, chỉ có thể hấp thụ từ thực phẩm. Chất béo này giúp làm giảm tình trạng viêm sưng khớp, giảm nguy cơ bùng phát các cơn đau do gout. Đồng thời, cá hồi hỗ trợ kiểm soát các bệnh lý về tim mạch, chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe não bộ… Tuy nhiên, cá hồi có hàm lượng purin khá cao, trong 100gr cá có chứa từ 150-180 mg purin, do đó, người bệnh chỉ nên ăn ở một lượng vừa phải.
Hàu có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tâm trạng, nâng cao sức khỏe tình dục… Trong 100 g hàu cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo omega-3, vitamin D, vitamin B12, sắt, kẽm, magie… đồng thời, chứa khoảng 184,5 mg purin.
Bên cạnh việc tiêu thụ có kiểm soát các loại hải sản trên, người bệnh còn cần tránh các loại cá như cá cơm, cá tuyết, cá trích, cá thu, cá mòi, cá ngừ… Đây là nhóm hải sản có hàm lượng purin rất cao, dễ dàng làm tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong máu, khởi phát cơn đau viêm.
Ngoài việc lưu ý về hàm lượng purin có trong hải sản, người bệnh còn cần chú ý đến phương pháp chế biến. Theo đó, luộc hoặc hấp giúp làm giảm hàm lượng purin có trong hải sản, rất thích hợp cho người bệnh gout. Ngoài ra, những phương pháp chế biến này còn có ích cho sức khỏe tổng thể khi giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng và không cần phải thêm quá nhiều gia vị trong quá trình thực hiện.
Bác sĩ Ánh Ngọc nhấn mạnh, người bệnh gout có thể ăn hải sản, tuy nhiên cần lưu ý về hàm lượng purin có trong những thực phẩm này để đảm bảo không tiêu thụ quá mức. Việc hấp thu purin quá mức sẽ làm bệnh gout tiến triển nặng, khởi phát những cơn đau cấp tính, gây sưng viêm khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.